Trạm đèn biển Cô Tô

0
2955

Hầu hết những người đến Cô Tô đều tìm cách đến khu vực Trạm đèn biển Cô Tô, bởi nơi đây có thể phóng tầm mắt ngắm cả một vùng rộng lớn các đảo lớn nhỏ của Cô Tô.

Trạm đèn biển Cô Tô nằm trên ngọn đồi cao 100m so với mực nước biển. Từ dưới chân đồi để lên đến Trạm phải vượt qua con đường dài gần 2km, hai bên đường là những rừng nguyên sinh xanh mướt. Đường có thể đi được bằng xe máy, thế nhưng nhiều đoàn khách lại thích cuốc bộ, để ngắm rừng nguyên sinh vừa hít thở không khí trong lành, lại thỉnh thoảng dừng lại chụp cho mình bức ảnh lưu niệm.

Trạm đèn biển Cô Tô
Trạm đèn biển Cô Tô cũ.

Khi leo được lên đến ngọn đèn biển, hầu như mọi người đều đã thấm mệt, lau những giọt mồ hôi của cuộc hành trình với niềm vui đã chinh phục được một điểm đến mà chỉ Cô Tô thì mới có. Trạm đèn biển Cô Tô không chỉ chiếu sáng để định hướng cho tàu biển mà còn khẳng định chủ quyền đất nước, ánh sáng ngọn đèn được ví như “con mắt linh hồn” để những con tàu vươn mình rẽ sóng ra khơi hoạt động trong vùng an toàn.

Trạm đèn biển Cô Tô
Nhiều du khách thích đi bộ để đến ngọn đèn biển để được hòa mình với những cánh rừng tự nhiên và chụp những bức ảnh dọc đường đi. (Ảnh chụp năm 2019)

Nếu đến Cô Tô thời gian này, chúng ta cùng được chiêm ngưỡng Trạm đèn biển Cô Tô mới, được xây dựng bên cạnh trạm đèn biển cũ. Trạm cũ được xây dựng cuối thế kỷ 19, cao 18m. Để lên được, ta phải leo 72 bậc thang, rồi đến một lan can rộng, ở đây ta có thể phóng tầm mắt nhìn thấy gần như toàn bộ huyện Cô Tô với đảo Cô Tô con và cả xã Thanh Lân với màu xanh thẫm của những rừng cây nổi bật lên trên màu xanh dương trùng trùng của sóng biển.

Trạm đèn biển Cô Tô
Trạm đèn biển Cô Tô mới mang kiến trúc hoàn toàn khác trạm đèn cũ. (Ảnh chụp năm 2019)

Trạm đèn biển Cô Tô mới được xây dựng năm 2018, theo hình ống, giống kiến trúc những trạm gác ở những tòa lâu đài châu Âu thời Trung cổ. Trạm cao 26,1m, vì thế khi chinh phục được đỉnh Trạm, ta đứng trên độ cao khoảng 126m so với mực nước biển, để phóng tầm mắt nhìn bốn phương. Bên trong Trạm cầu thang hình xoắn ốc, phải leo 136 bậc mới lên được đỉnh, có một lan can vòng tròn theo hình trạm.

Trạm đèn biển Cô Tô
Phần lan can của Trạm đèn biển cũ được cải tạo thành nơi vui chơi của du khách Cô Tô vào mùa du lịch những năm trước và khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Anh Phạm Trọng Đồng, Trạm trưởng quản lý Trạm đèn biển Cô Tô, cho biết: Trạm chúng tôi có nhiệm vụ định hướng, định vị cho tàu thuyền hoạt động trên biển khu vực Đông Bắc Bộ, cách xa khoảng hơn 20 hải lý vẫn có thể nhìn thấy ngọn đèn. Do Trạm mới xây cao, khi leo đông người hoặc trẻ em, người già rất nguy hiểm, nên chúng tôi chỉ phục vụ nhiệm vụ của Trạm chứ không phục vụ khách du lịch. Chúng tôi vẫn giữ Trạm đèn biển cũ từ phần lan can, nay được cải tạo lại rộng rãi hơn, khu vực này an toàn cho du khách, khi leo lên đây mọi người vẫn có thể nhìn thấy toàn bộ các đảo lớn nhỏ của Cô Tô như trước đây và lại còn chụp những bức ảnh của mình với Trạm đèn biển Cô Tô mới.

Những năm trước vào mùa du lịch, những ngày cao điểm có đến 500 khách leo lên Trạm đèn biển Cô Tô để ngắm cảnh. Anh Phạm Văn Chiến, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Leo lên Trạm đèn biển Cô Tô (cũ), tôi thấy cái thú khi được nhìn thấy toàn bộ cuộc sống sôi động của người dân Cô Tô từ trên cao, những con đường thơ mộng, những khu rừng đầy hoa thơm bướm lượn, những bãi biển cát trắng, tàu cá dập dìu ngoài khơi, thật cảm giác thích thú của một hành trình.

Du khách đến Cô Tô đều thích thú được đến trạm đèn biển, vì được nhìn Cô Tô từ trên cao, từ đó tạo thêm nhiều hứng thú khi tiếp tục chinh phục Cô Tô dưới mặt đất.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here